Chiều 1/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.
Báo cáo giải trình, làm rõ việc một số đại biểu Quốc hội đề xuất kéo dài việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2025 hoặc ít nhất là năm 2024, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án trình giảm 6 tháng đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.
"Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, nghĩa là 6 tháng nữa. Phương án trình cũng phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng Tài chính giải thích và khẳng định đề xuất giảm thuế VAT đến hết năm 2023 là phù hợp.
Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế VAT 2%, ông Hồ Đức Phớc nêu rõ, ô tô là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ô tô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu.
Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế.
"Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế. Giảm thuế nhưng không có phát sinh thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn", ông Hồ Đức Phớc nói.
Người đứng đầu Bộ Tài Chính thông tin, Bộ này cũng đã trình Chính phủ giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và Chính phủ đồng thuận với kiến nghị này.
Trước đó, đóng góp ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong tình hình nhiều thách thức chung của nền kinh tế.
Phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt tài sản, bên mua lại là người nước ngoài, đại biểu cho rằng tình trạng này rất đáng lo ngại, nhất là khi các doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ để phát triển nền kinh tế.
Theo bà Mai Thị Phương Hoa, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, phương án của Chính phủ kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn.
"Khó khăn, thách thức trong thời gian tới là khá lớn. Để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024", bà Mai Thị Phương Hoa kiến nghị.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành sản xuất ô tô trong nước khi có thể thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề khác, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% VAT (giảm 2%) đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ ngồi.
Nữ đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương cho biết, theo phản ánh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô đang đối diện với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí, doanh thu sụt giảm gây khó khăn cho dòng tiền. Việc áp dụng mức thuế VAT 8% dù khiến ngân sách hụt thu so với quy định hiện hành, nhưng ô tô là loại hàng hoá chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí (thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí cấp biển…).
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, nếu được kích cầu, số tiền thu được từ các loại thuế, phí khác chịu trên một chiếc xe ô tô sẽ vượt được số thuế 2% được giảm. Điều này góp phần tăng thu ngân sách cũng như phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đặc biệt, sẽ kích cầu thị trường để giải quyết khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
"Theo tính toán với một xe ô tô tầm trung bán ra, nếu giảm 2% thuế VAT thì Nhà nước sẽ giảm thu thuế 10 - 15 triệu đồng. Song doanh nghiệp lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước 200 - 300 triệu đồng từ các khoản thuế, phí", bà Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.