Với 464/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 vào chiều 30/11.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Long Thành
Tại nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 quy định tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015 của Quốc hội: "Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến ngày 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác".
Quốc hội cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 94/2015 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội điều chỉnh quy mô Giai đoạn 1 quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 95/2019 của Quốc hội: "Đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm". Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 95/2019 của Quốc hội.
Quốc hội thông qua 18 luật và 21 nghị quyết
Theo nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Các cơ quan cần nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024.
Quốc hội giao Chính phủ Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội.
Kiên quyết bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
"Kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài; minh bạch, dễ tiếp cận; thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển", nghị quyết nêu rõ.
Theo yêu cầu của Quốc hội, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Các cơ quan có liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan.
Cùng đó là chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.