Cơ cấu Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sau sáp nhập

2025-04-26 06:38:00
Cơ cấu Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sau sáp nhập là Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách MTTQ của các tỉnh hiện nay và 5 trưởng các tổ chức chính trị - xã hội.

Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 31 về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, hồi tháng 10/2024. (Ảnh: Quang Vinh)

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, hồi tháng 10/2024. (Ảnh: Quang Vinh)

Trong đó, về sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan MTTQ Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, nguyên tắc sắp xếp là hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc về chung với cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh; giữ nguyên tư cách pháp nhân của các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng (có con dấu, tài khoản riêng); vừa bảo đảm hoạt động của các đoàn thể, hội quần chúng trực thuộc MTTQ Việt Nam, vừa đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối).

Đề án sắp xếp sẽ do Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng. Đối với tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập là Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới chủ trì.

Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Đại hội MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sẽ được tổ chức ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội làm Phó Chủ tịch MTTQ

Về số lượng ủy viên Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, với các tỉnh, thành phố thuộc diện sáp nhập thì bố trí không vượt quá tổng số ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam của các tỉnh, thành phố hiện có trước khi sáp nhập (không tính số nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng xin thôi).

Với các tỉnh, thành phố không sáp nhập thì giữ nguyên số lượng ủy viên Ủy ban như hiện nay.

Về cơ cấu Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố, gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, không tính Phó Chủ tịch không chuyên trách (nếu có).

Với các tỉnh, thành phố thuộc diện hợp nhất, sáp nhập, cơ cấu Phó Chủ tịch sẽ xem xét bố trí những người đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách MTTQ của các tỉnh hiện nay và những người là trưởng các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong đó, bố trí 1 Phó Chủ tịch đồng thời làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; 1 Phó Chủ tịch đồng thời làm Phó Chủ Hội Nông dân tỉnh; 1 Phó Chủ tịch đồng thời làm Phó Chủ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; 1 Phó Chủ tịch đồng thời làm Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; 1 Phó Chủ tịch đồng thời làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Khi đại hội thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Với các tỉnh, thành phố không hợp nhất, thì bố trí các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ chuyên trách hiện nay và 5 trưởng các tổ chức chính trị - xã hội là Phó Chủ tịch đồng thời làm trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (thực hiện như đối với các tỉnh, thành phố thuộc diện sáp nhập). Khi đại hội, số lượng Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Về số lượng cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh, thành phố diện sáp nhập, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay. Khi đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Với tỉnh, thành không sáp nhập, số lượng cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội, trước mắt giữ nguyên số lượng cấp phó như hiện nay.

Các tổ chức chính trị - xã hội có con dấu, tài khoản riêng

Ban Tổ chức Trung ương định hướng các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh) hoạt động theo Điều lệ của mỗi tổ chức, có con dấu, tài khoản riêng, đảm bảo nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trực thuộc MTTQ Việt Nam đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối).

Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ công tác đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

Về tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức Trung ương cho phép được lập 9 - 10 ban, đơn vị.

Gồm: Văn phòng; Ban Tổ chức, Kiểm tra; Ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; Ban Công tác Công đoàn; Ban Công tác Nông dân; Ban Công tác Thanh thiếu nhi; Ban Công tác Phụ nữ; Ban Công tác Cựu chiến binh.

Tùy theo điều kiện thực tiễn, Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quyết định thành lập 1 - 2 ban có tính đặc thù, phù hợp với địa phương cụ thể như: dân tộc, tôn giáo, công đoàn khu công nghiệp, ban công tác hội quần chúng hoặc ban tuyên giáo, công tác xã hội...

Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội về trực thuộc cơ quan ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh như: Nhà văn hóa thanh thiếu nhi; Nhà văn hóa lao động (nếu có); các loại quỹ hỗ trợ nông dân, hỗ trợ phụ nữ (sau khi đã thực hiện sắp xếp hợp nhất).

Source VTC