Huế yêu cầu lắp camera giám sát các thuyền biểu diễn trên sông Hương

2024-05-05 16:23:22
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu thuyền rồng phục vụ du lịch, có hoạt động biểu diễn ca Huế phải lắp 2-3 camera giám sát, kết nối với hệ thống của cơ quan quản lý.

Quy định trên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu rõ trong quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế tại địa phương này.

Một trong những điểm đáng chú ý trong quy chế là các thuyền rồng du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế bắt buộc phải lắp đặt từ hai đến ba camera giám sát quanh khu vực biểu diễn.

Các camera này có lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày và phải được kết nối với hệ thống thông tin của Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên - Huế.

Thuyền rồng thường phục vụ hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. (Ảnh minh hoạ)

Thuyền rồng thường phục vụ hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. (Ảnh minh hoạ)

UBND tỉnh cũng yêu cầu các thuyền tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ, phao cứu sinh, áo phao. Các thuyền cũng đảm bảo điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan trước và trong quá trình vận chuyển khách tham gia chương trình biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

Ngoài ra, tỉnh cũng quy định điểm đón và trả khách nghe biểu diễn Ca Huế trên sông Hương tại Bến Toà Khâm và các bến có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định. Phạm vi neo đậu thuyền khi biểu diễn Ca Huế trên sông Hương từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên. Vị trí neo đậu khi biểu diễn đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50m (năm mươi mét).

Chương trình biểu diễn Ca Huế phải được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thẩm định, chấp thuận tổ chức biểu diễn theo quy định của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, chương trình biểu diễn Ca Huế phải niêm yết tại các địa điểm bán vé kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn.

Quy chế cũng yêu cầu hoạt động biểu diễn Ca Huế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra trong khung giờ 8h đến 24h hàng ngày. Địa điểm bán vé nghe Ca Huế bố trí tập trung tại Bến Toà Khâm, phải niêm yết giá vé đăng ký tại cơ quan thuế đối với chương trình biểu diễn và vé bán lẻ để du khách rõ và lựa chọn trong quá trình tham gia nghe Ca Huế.

Diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trong quá trình tham gia biểu diễn Ca Huế phải mang bảng tên (được cấp theo chương trình biểu diễn), trang phục áo dài truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và văn hóa Huế.

Thuyền trưởng, thuyền viên, người phục vụ phải mặc đồng phục, đeo thẻ tên theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thuỷ nội địa và phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.

Đối với Ca Huế trên sông Hương, không gian biểu diễn Ca Huế trên thuyền thông thoáng, đảm bảo vệ sinh. Các mặt hàng lưu niệm bày bán trên thuyền phải được bố trí khu vực riêng, không làm ảnh hưởng đến chương trình biểu diễn, các mặt hàng phải được niêm yết giá công khai. Không trưng bày, đặt để các vật dụng sinh hoạt gia đình. Chỉ trang trí các tranh ảnh phù hợp với không gian diễn xướng Ca Huế.

Đối với Ca Huế thính phòng khai thác các không gian văn hoá, di sản và các thiết chế văn hoá khác phải đảm bảo tính trang trọng phù hợp với nội dung biểu diễn Ca Huế và mang đậm đặc trưng văn hoá Huế.

Ca Huế là thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, Việt Nam, là hình thức diễn xướng trong cung vua phủ chúa dành cho giới thượng lưu say mê nghệ thuật. Năm 2015, Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Hàng chục năm nay, ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc cuốn hút du khách đến Huế. Tuy nhiên, việc biểu diễn ca Huế, nhất là ca Huế trên sông Hương đã xảy ra nhiều bất cập cần phải chấn chỉnh như cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá các suất diễn, chương trình biểu diễn bị cắt xén...

Source VTC