Người tiêu dùng kiện sai khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn thì xử lý sao?

2023-05-26 16:36:07
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu trường hợp người tiêu dùng kiện sai, lợi dụng kiện tụng gây mất uy tín, khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn thì xử lý ra sao?

Ý kiến trên được đưa ra tại buổi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra sáng 26/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho hay, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự không cấm các bộ luật khác quy định trình tự rút gọn và mở đường cho các bộ luật khác có thể quy định thủ tục rút gọn. Áp dụng thủ tục rút gọn là để giải quyết vụ việc cho nhanh.

“Nếu quy định tranh chấp từ 100 triệu đồng trở lên không được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì không phải bảo vệ quyền lợi mà là hạn chế quyền lợi người tiêu dùng. Vì có những vụ việc trên 100 triệu đồng nhưng thủ tục rất đơn giản”, ông Bình chia sẻ.

Người tiêu dùng kiện sai khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn thì xử lý sao? - 1

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Theo ông Bình, ban soạn thảo Luật này có thể tham khảo từ kinh nghiệm thế giới các vụ án quy mô nhỏ, quy trình giải quyết rất đơn giản. Như tại Đức, tất cả các tranh chấp dân sự dưới 5.000 Euro, tòa án tối cao không giải quyết, vì chi phí xã hội bỏ ra sẽ lớn hơn rất nhiều so với giá trị tranh chấp. Nhiều nước cũng quy định giá trị các vụ tranh chấp để xã hội không mất công vào các vụ việc vụn vặt, để không phải tòa sơ thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm…

Tại Việt Nam, ông Bình cho rằng nếu quy định như Điều 70 của dự thảo Luật là chưa thỏa đáng. Thay vào đó nên quy định có 2 yếu tố để giải quyết tranh chấp rút gọn là theo điều 327 của Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc quy mô tranh chấp dưới 100 triệu đồng.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao lấy ví dụ, người tiêu dùng bị xâm hại khi đi mua một chai mắm chất lượng không đảm bảo hay hàng giả, có khi bị thiệt hại chỉ 10.000 đồng, chẳng ai đi kiện cả, nhưng nhiều người thì số lượng lớn hơn. Cần bàn đến quy mô tranh chấp và không xung đột với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ông Bình cũng cho biết thêm, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong các quy định phải “nội luật hóa nghĩa vụ của bên thua”. Nói cách khác, người tiêu dùng hay trường hợp khác kiện mà thắng thì đương nhiên nhà sản xuất hay nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường.

"Trường hợp người tiêu dùng kiện không đúng, lợi dụng việc kiện tụng gây mất uy tín, khiến doanh nghiệp không bán hàng được, gây thiệt hại lớn thì xử lý ra sao?", ông nói và cho rằng, không nên mặc định người đi kiện luôn đúng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng nên bỏ quy định giá trị giao dịch để giải quyết vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, dự thảo Luật phân định hai trường hợp: với các giao dịch trên 100 triệu đồng thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự, còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng Luật này.

Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định theo hướng vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện, đồng thời bỏ quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Người tiêu dùng kiện sai khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn thì xử lý sao? - 2

Các đại biểu thảo luận ở nghị trường.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị ban soạn thảo Luật này bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo ông, mục tiêu đặt ra của dự án Luật này bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.

Theo quy định tại điều 70 của dự thảo luật, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;

b) Vụ án có chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án;

c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài;

d) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài.

Hà Cường

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo
Source VTC