"Ukraine vẫn chưa ký các giấy tờ cuối cùng về Thỏa thuận Đất hiếm rất quan trọng với Mỹ. Thỏa thuận này đã chậm ít nhất ba tuần; hy vọng rằng nó sẽ được ký ngay lập tức. Công việc về Thỏa thuận Hòa bình chung giữa Nga và Ukraine đang diễn ra suôn sẻ", Tổng thống Trump cho biết trong bài đăng trên Truth Social hôm 25/4.
Thỏa thuận khoáng sản này là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine trong vấn đề xung đột với Nga, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng cho các ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với truyền thông tại Nhà Trắng khi ông khởi hành đi Rome dự tang lễ Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, vào ngày 17/4, hai nước ký Bản Ghi nhớ Ý định, cam kết hoàn tất thỏa thuận và thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, củng cố chủ quyền của Ukraine.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang gặp khó khăn do những bất đồng về điều khoản tiếp cận và chia sẻ lợi nhuận từ khai thác khoáng sản. Một số nguồn tin cho biết, dự thảo hiện tại đề xuất Mỹ được quyền tiếp cận ưu tiên các mỏ khoáng sản của Ukraine và yêu cầu Kiev đưa toàn bộ thu nhập từ khai thác vào quỹ đầu tư chung, điều này khiến phía Ukraine lo ngại về chủ quyền kinh tế
Đặc phái viên của ông Trump gặp tổng thống Nga lần thứ 4
Trong một diễn biến khác, đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff, có cuộc gặp kéo dài ba giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, một phần trong nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Sau cuộc họp, Tổng thống Trump tuyên bố rằng hai bên đã "rất gần đạt được thỏa thuận" và kêu gọi tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Kiev và Moskva để hoàn tất thỏa thuận.
Steve Witkoff và Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào thứ Sáu. (Ảnh: AP)
Ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, mô tả cuộc thảo luận là "xây dựng và rất hữu ích", đã giúp Nga - Mỹ xích lại gần nhau hơn không chỉ về vấn đề Ukraine mà cả một số vấn đề quốc tế khác. Ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc thảo luận tập trung vào khả năng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, các đề xuất của Mỹ, bao gồm việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea và một phần lãnh thổ phía đông, nam Ukraine, đã vấp phải sự phản đối từ phía Ukraine và các đồng minh châu Âu. Họ cho rằng những điều khoản này có thể ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.