Phi công Ukraine nói bị không quân Nga áp đảo

2023-02-03 18:56:32
Phi công Ukraine cho biết nước này cần phương Tây cung cấp thêm máy bay chiến đấu vì những máy bay của họ đã quá cũ và bị không quân Nga áp đảo.

Theo Financial Times, một phi công Ukraine có biệt danh "Juice" chia sẻ, những chiếc MiG-29 trong đội bay của nước này không được thiết kế để phát hiện tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái, khiến họ không thể tiêu diệt mục tiêu. 

Phi công Ukraine nói bị không quân Nga áp đảo - 1

Máy bay MiG-29.

Không quân Nga áp đảo

Phi công 29 tuổi kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp cho nước này các máy bay chiến đấu hiện đại. Theo Juice, đội máy bay già cỗi của Ukraine đã bị các máy bay SU-35 và MiG-31 của không quân Nga áp đảo. Những máy bay này vốn có tên lửa không đối không với tầm bắn xa hơn và radar vượt trội.

“Tình hình trên không của chúng tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn", Juice nói.

Ngay sau khi Ukraine nhận được cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại từ các đồng minh phương Tây vào tháng trước, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị nước này chuyển sự chú ý sang máy bay chiến đấu. Kiev trong nhiều tháng thúc ép các đồng minh NATO cung cấp máy bay phương Tây, chẳng hạn như F-16 do Mỹ chế tạo.

Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết: “Những gì Ukraine cần là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư".

Cho đến nay, các cường quốc hàng đầu NATO vẫn ngần ngại cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, vì lo chúng quá phức tạp để lực lượng nước này có thể nhanh chóng vận hành hiệu quả, đồng thời có thể kích động Nga leo thang xung đột. Nhưng các đánh giá đang dần thay đổi.

Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra tháng trước cho biết Hà Lan sẽ xem xét mọi yêu cầu gửi F-16 với “tinh thần cởi mở” và “không có điều cấm kỵ nào” về hỗ trợ quân sự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã báo hiệu rằng Paris không loại trừ khả năng sẽ gửi các máy bay chiến đấu Mirage.

Nhưng những nước dành cho Ukraine sự ủng hộ quân sự lớn nhất vẫn chưa gật đầu, hoặc không có những mẫu mà Ukraine muốn. Anh, quốc gia dẫn đầu về xe tăng, vận hành các máy bay Typhoon và F-35, chưa đồng ý gửi đi bất kỳ chiếc nào. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì phản đối "cuộc tranh giành" vũ khí phương Tây. Khi được hỏi liệu Mỹ có sắp gửi F-16 hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời thẳng thừng là không.

Một số quan chức phương Tây còn đặt câu hỏi liệu máy bay chiến đấu có phải là ưu tiên hàng đầu trong tình hình hiện tại hay không khi họ phải mất tối thiểu sáu tháng để đào tạo phi công, không chỉ cách lái máy bay mà còn vận hành các hệ thống vũ khí.

Phi công Ukraine nói bị không quân Nga áp đảo - 2

Máy bay F-16. 

Ukraine có cần máy bay chiến đấu phương Tây?

Vai trò của không quân đến nay được đánh giá là ít nổi bật hơn trong cuộc chiến trên bộ chủ yếu do pháo binh định hình tại Ukraine. Trước đó, hệ thống phòng không S-300 thời Liên Xô của Ukraine, cùng các tên lửa đất đối không di động của phương Tây, đã ngăn chặn các máy bay Nga tiến sâu vào không phận.

Các nhà phân tích cho rằng rủi ro lớn đối với Ukraine là lực lượng không quân của nước này - bao gồm hàng chục chiếc MiG-29, SU-27, máy bay ném bom SU-24 và máy bay tấn công mặt đất SU-25 - đã cạn kiệt khi hệ thống phòng không ngừng hoạt động.

Nếu các máy bay Nga có thể bay qua Ukraine mà không có nguy cơ bị bắn hạ, Nga có thể đẩy mạnh tấn công quân đội Ukraine, các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Hiện Kiev có ưu tiên rõ ràng đối với F-16 do Mỹ chế tạo, có ở 30 quốc gia bao gồm 8 thành viên châu Âu của NATO. Nhưng Mỹ sẽ phải đồng ý trước khi bất kỳ quốc gia nào muốn gửi F-16 đến Ukraine. 

“Lý do tại sao F-16 là lựa chọn tốt nhất? Vì nó có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất ở tiền tuyến", ông Sak nói. 

Năm ngoái, các nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh gợi ý rằng máy bay Gripen do Thụy Điển chế tạo sẽ thích hợp hơn với nhu cầu của Kiev. Loại máy bay này nhẹ hơn và rẻ hơn, có thể dễ bảo trì và vận hành hơn từ nhiều sân bay của Ukraine. Nhưng Kiev phải mua chúng từ nhà sản xuất và Thụy Điển - quốc gia có đơn xin gia nhập NATO bị đình trệ do Thổ Nhĩ Kỳ phản đối - cũng phải đồng ý.

Theo Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại RUSI, các máy bay chiến đấu phương Tây có thể mang lại cho Ukraine khả năng tốt hơn, nhưng hệ thống phòng không đáng sợ của Nga sẽ buộc chúng phải bay ở độ cao thấp cho các nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất, hạn chế hiệu quả của chúng.

Juice cho biết F-16 có các cảm biến, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí hiện đại tốt hơn bất kỳ máy bay nào trong hạm đội Ukraine, và có thể được sử dụng với các tên lửa có tầm bắn xa hơn hỏa lực của đối thủ, giúp chống lại các máy bay phản lực vượt trội của Nga.

Ukraine không thể chờ đợi vì họ đang mất đi những phi công giỏi nhất trên chiến trường. “Nếu đợi thêm sáu tháng nữa, chúng tôi sẽ chỉ có những phi công già dự bị chứ không có những phi công trẻ có kiến thức tốt, được đào tạo bài bản”.

Phương Anh(Nguồn: Financial Times)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo
Source VTC