Quốc hội tập trung giám sát nguồn lực chống COVID-19 ở cả trong và ngoài nước

2022-09-23 11:45:01
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào công tác huy động nguồn lực phòng chống dịch, bao gồm nguồn lực trong nước và nguồn lực ở nước ngoài. 

Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Phát biểu góp ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Đoàn giám sát không nên đi sâu vào "kiểm đếm" các con số mà tận dụng kết quả của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước để xem những vấn đề gì cần làm rõ thêm, sâu hơn.

Về các vấn đề cần được làm rõ qua giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào công tác huy động nguồn lực phòng chống dịch, bao gồm nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài. 

"Với nguồn lực từ nước ngoài thì cần giám sát việc mua sắm, tiếp nhận, phân phối và quản lý vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế. Còn nguồn lực trong nước thì cần tập trung giám sát về nghiên cứu, sản xuất, chế biến, chế tạo vaccine, các vật tư thiết bị. Vấn đề tự lực tự cường trong phòng chống dịch rất quan trọng, qua giám sát phải xem cái này đến đâu", ông Huệ kiến nghị.

Quốc hội tập trung giám sát nguồn lực chống COVID-19 ở cả trong và ngoài nước - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nói đến giám sát của Quốc hội cuối cùng là nói đến trách nhiệm giải trình. Quốc hội sẽ kết luận bằng Nghị quyết sau giám sát, để cơ quan hành pháp giải tỏa hết trách nhiệm giải trình, giám sát không làm thay cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán.

"Trách nhiệm giải trình đây được hiểu là đối tượng được giám sát đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước chưa. Mặt nào tốt, mặt nào tồn tại yếu kém, và trách nhiệm của anh thế nào? Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm theo quy định pháp luật, trách nhiệm hành chính. Kể cả sai phạm thì có đề xuất cơ quan khác biện pháp xử lý", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyên đề giám sát này, một số đại biểu trong lĩnh vực y tế cho rằng hết sức cân nhắc có nên làm tiếp không vì sợ làm phiền, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống, tạo thêm áp lực cho hệ thống.

Cũng trong phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh đây là chuyên đề mang tính thời sự rất cao và nhắc đến bối cảnh vụ Việt Á đang có tác động rất lớn, cần tập trung giám sát các nguồn lực, việc huy động nguồn lực chống dịch ở cả trong và ngoài nước.

"Vừa rồi các tổ giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi địa phương cũng có rất nhiều vấn đề, đi mấy đợt mới ra được chứ đi thoảng qua thì không hiệu quả. Nên chăng thành lập các tổ như vậy, còn lãnh đạo đến chỉ để kết luận thôi. Tránh nghe một chiều báo cáo mà không có thông tin nhiều chiều", ông Cường nói và góp ý cần có các tổ đi sâu, đi sát để nắm thông tin về việc huy động nguồn lực ở nhiều nơi. 

Trước đó, thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát - đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, các phụ lục kèm theo; đồng thời cho ý kiến về 4 vấn đề.

Quốc hội tập trung giám sát nguồn lực chống COVID-19 ở cả trong và ngoài nước - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Thứ nhất, về phạm vi giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19 là tập trung giám sát tình hình, đánh giá kết quả, hiệu quả, tồn tại, hạn chế, khó khăn trong huy động, quản lý, sử dụng.

Trong đó, về tài lực là Ngân sách nhà nước, huy động tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; về vật lực là các trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm… do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động, có thể quy đổi giá trị, thống kê được. Về nhân lực là lực lượng cán bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều động, gồm lực lượng cán bộ ngành y tế, Quân đội, Công an trực tiếp tham gia chống dịch.

Thứ hai, không yêu cầu Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát độc lập mà giao Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa phương. Khuyến khích Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng.

Thứ ba, Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 Bộ, ngành gồm Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 12 tỉnh, thành phố gồm TP Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Huế (hoặc Đà Nẵng), Kon Tum, Phú Yên, An Giang (hoặc Đồng Tháp), Cần Thơ, Tây Ninh (hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thứ tư, trong quá trình giám sát, tùy theo tình hình thực tế và các điều kiện cho phép, Đoàn giám sát có thể điều chỉnh Kế hoạch giám sát và các đề cương giám sát. Ngoài nội dung đã có trong đề cương, khuyến khích các cơ quan, tổ chức cung cấp các thông tin khác cho đoàn giám sát.

Anh Văn
Source VTC