Thủ tướng: Truyền thông chính sách phải tập trung, hướng tới người dân

2022-11-24 17:00:00
Thủ tướng nêu rõ xây dựng chính sách phải tập trung vào người dân, hướng đến người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Chiều 24/11, phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó truyền thông của Chính phủ có vai trò rất quan trọng.

Thủ tướng: Truyền thông chính sách phải tập trung, hướng tới người dân - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.

"Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nói.

Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. 

"Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng: Truyền thông chính sách phải tập trung, hướng tới người dân - 2

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại hội nghị - (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện truyền thông với các cơ quan báo chí, thậm chí có tình trạng né tránh khi được yêu cầu cung cấp thông tin…

Khi ban hành các chính sách mới, chính sách có tác động lớn đến công chúng chưa chủ động xây dựng và tổ chức triển khai các phương án truyền thông để cung cấp thông tin và lắng nghe dư luận. Một số bộ, ngành, địa phương chưa dành đủ nguồn lực kinh phí cho truyền thông chính sách.

Tính tương tác hai chiều trong truyền thông chính sách còn hạn chế, nhất là việc lấy ý kiến của người dân và các đối tượng chịu ảnh hưởng trước khi ban hành chính sách.

Một số chủ trương chính sách chưa được truyền thông chủ động, kịp thời; người dân bị tác động, dẫn dắt bởi thông tin không chính thống. Một số vụ việc, vấn đề do lúng túng, thiếu chủ động xử lý dẫn đến “khủng hoảng truyền thông”. Trong thực tế, một số chủ trương chính sách đúng đắn nhưng do truyền thông không chủ động, kịp thời, dẫn đến công chúng chưa hiểu rõ, hiểu đúng, thậm chí hiểu sai.

Hoạt động truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội từ sớm, từ xa, ngay từ khâu lập đề nghị và soạn thảo, ban hành, triển khai chính sách văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực hiện chưa được khoa học, đồng bộ, nhất quán, bài bản, hiệu quả.

Thủ tướng: Truyền thông chính sách phải tập trung, hướng tới người dân - 3

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Một số chủ trương, chính sách khi tuyên truyền còn khô cứng, máy móc, chưa đến được với người dân một cách gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu. Các sản phẩm truyền thông nhiều khi chưa phù hợp, chưa đa dạng về hình thức thể hiện đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội một cách đa chiều.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông còn chưa chú trọng xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền thông về chính sách.

Nhân lực cho công tác truyền thông chính sách vừa thiếu, vừa yếu, chưa được chuẩn hóa, nhất là cấp cơ sở; nhiều cơ quan, địa phương chưa hình thành được đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; Chưa có công cụ đánh giá kết quả thực hiện truyền thông chính sách mang tính định lượng để đo lường kết quả và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Anh Văn
Source VTC