Cụ Nguyễn Thị Niên (80 tuổi, trú nhà số 39B Nguyễn Đình Chiểu, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, từ hôm qua, gia đình bà treo cờ rủ để thể hiện niệm thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tôi tuổi cao, sức yếu nên không đi đâu được, treo cờ rủ thể hiện niềm tiếc thương của mình và gia đình với Tổng Bí thư. Trong tôi, Tổng Bí thư là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực. Là người cống hiện trọn đời mình cho đất nước, cho Đảng và Nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là sự mất mát lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
“Tận đáy lòng mình, tôi khâm phục tinh thần, ý chí, sự cống hiến của Tổng Bí thư cho đất nước, Nhân dân. Xem những hình ảnh Tổng Bí thư làm việc ngay trong những ngày lâm trọng bệnh khiến tôi rơi nước mắt. Tổng Bí thư đã thực hiện đúng lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời chăm lo cho nước, cho dân”, bà Niên nghẹn ngào chia sẻ.
Con đường từ cổng làng Lại Đà dẫn đến nơi tổ chức Quốc tang dài gần 1km chật kín người dân xếp hàng chờ. Nhiều đoàn đến từ các tỉnh như Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên... đến từ sáng sớm, chờ đợi để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn vào viếng.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệm, 85 tuổi, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, từ khi nghe tin Tổng Bí thư Trần Phú Trọng từ trần, ông rất buồn. Sáng nay, ông Kiệm khoác bộ quân phục, rời nhà từ 5h, bắt xe đến nhà tang lễ để viếng nhà lãnh đạo xuất sắc của dân tộc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệm.
“Nghe tin Tổng Bí thư mất tôi buồn lắm! Mấy hôm nay tôi thao thức không ngủ được, chỉ mong đến ngày để viếng bác Trọng. Tôi rất kính trọng Tổng Bí thư bởi bác là người có tâm, có tầm, luôn quan tâm, đề cao lợi ích của Nhân dân”, ông Kiệm xúc động chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Dung có mặt từ sớm trước khu vực nhà tang lễ chờ vào viếng.
Có mặt ở khu vực nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông từ 5h sáng, bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Tổng Bí thư ra đi, tôi và hàng triệu người dân Việt đều chung nỗi buồn. Tôi cùng một số người bạn có mặt từ sớm, chuẩn bị sẵn căn cước công dân, xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư lần cuối. Dù xếp hàng chờ bao lâu chúng tôi cũng đợi. Tổng Bí thư đã một đời hy sinh cho Nhân dân, chúng tôi có chờ vài tiếng cũng không sao".
Đoàn cựu sinh viên lớp Văn khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chờ vào viếng Tổng Bí thư. (Ảnh: Quỳnh Anh)
Đại diện nhóm cựu sinh viên lớp Văn khoá 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết, hầu hết mọi người đêm qua đều thức trắng, chờ đến giờ được đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò hiền lành của khóa học 1963-1967.
Cả nhóm vẫn nhớ như in những kỷ niệm ngày đi học, đi họp lớp cùng với Tổng Bí thư, nói chuyện với nhau đầy ấm áp, chân tình, không có khoảng cách. "Anh Trọng ơi, hôm nay về họp lớp, anh nói chữ tình nặng lắm, thầy tặng anh đôi câu đối chữ Hán sưu tầm được Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình. Nghĩa là trên đời này mọi sự mọi việc cuối cùng rồi chỉ là bọt bèo, ảo ảnh. Nghìn kiếp qua đi, cái còn lại chỉ là cái tình với nhau thôi, tình đời tình người", đại diện nhóm nhớ lại lời Tổng Bí thư từng nói.
Đoàn Cựu sinh viên lớp Văn khóa 8 (1963 – 1967) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào viếng.
Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn Ban tổ chức Trung ương do ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ công an làm Trưởng đoàn.
Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng làm Trưởng đoàn.
Đoàn Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do ông Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn vào viếng.
Sáng 25/7, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khu vực miền Nam diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu tại TP.HCM, các nguyên lãnh đạo TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thắp nhang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Liên minh châu Âu, do Ngài Josep Borrell - Đại diện cấp cao/Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell làm trưởng đoàn vào kính viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Cộng hòa Angeria Dân chủ và Nhân dân, do Ngài Laïd Rebiga - Bộ trưởng Cựu chiến binh và Người có công Angeria làm trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Cộng hòa Vanuatu, do Ngài Arnold Kiel Loughman - Bộ trưởng, Tổng chưởng lý Vanuatu làm trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Liên bang Thụy Sĩ, do Ngài Alexandre Fasel - Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ làm trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Hàn Quốc, do Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Australasia, do Chủ tịch Thượng viện Australasia Sue Lines làm trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ấn Độ, do ngài Ajit Doval - Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Ấn Độ làm trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cuba do Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernandez dẫn đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Indonesia, do ngài Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn vào kính viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Chính phủ do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam do ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra. Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm trưởng đoàn, vào viếng.
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn, kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc danh sách Ban Lễ tang gồm 35 thành viên do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban, Ban Tổ chức Lễ tang gồm 27 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm Trưởng Ban.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường - Trưởng ban tổ chức lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và các đồng chí trong Ban Tổ chức Lễ tang.
Ông Phạm Xuân Thành, thôn 4 xã Lại Yên, Hoài Đức vừa cùng đoàn Hội Cựu Chiến binh xã Đông Hội vào viếng Tổng Bí thư. Không giấu nổi nghẹn ngào, ông Thành cho biết, vì sức khoẻ yếu nên ông đến xã Đông Hội từ ngày hôm qua. Tới đây, ông được chính quyền xã sắp xếp lịch viếng Tổng Bí thư cùng Hội Cựu Chiến binh của xã. Người dân của thôn Lại Đà cũng mời ông ăn ngủ miễn phí khiến ông càng thêm xúc động khi tới lễ viếng Tổng Bí thư.
“Tôi rất kính trọng bác Trọng, một người vì nước vì dân. Vì thế tôi đã tìm về đây để mong được vào viếng bác. Đứng trước di ảnh của người, nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi, tôi không kìm được cảm xúc”, ông Thành nói.
Gia đình, người thân, dòng họ Nguyễn Phú vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tại TP.HCM, Lễ viếng, Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất ̣(Quận 1). Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h – 22h ngày 25/7 và từ 7h – 13h ngày 26/7. Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VTC News, từ sáng sớm phía ngoài khuôn viên Hội trường Thống Nhất đã có nhiều đoàn từ các tỉnh, thành, đông đảo người dân đến đăng ký viếng. Dòng người trật tự xếp hàng vào đăng ký.
Để đảm bảo an ninh trật tự tại Lễ tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, các lực lượng chức năng đã túc trực, tổ chức điều phối, đảm bảo giao thông thông thoáng từ các ngả đường hướng về Hội trường Thống Nhất.
Lễ viếng, Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất. (Quận 1).
Vinh dự là người đã từng được dự buổi gặp gỡ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, ông Đinh Công Lon (SN 1957, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) nói với phóng viên Như Loan: “5 giờ sáng, bố con tôi đã dậy rồi. Tôi cùng con mang cờ Tổ quốc, dải băng đen cùng cây tre nhỏ đã chuẩn bị sẵn từ tối qua, mang ra hiên nhà treo”.
Do không có điều kiện được về Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên cả tuần nay, ông Lon luôn đau đáu, muốn làm điều gì đó bày tỏ lòng kính yêu nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước. Ông cùng các con bàn bạc, quyết định treo cờ rủ trước hiên nhà tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Ông Đinh Công Lon xem lại những bức ảnh kỉ niệm trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm địa phương.
Nhìn lá cờ Tổ quốc treo rủ bên hiên nhà, ông bồi hồi nhớ lại 8 năm trước, Tổng Bí thư về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Tân Lạc.
“Tổng Bí thư rất giản dị, tác phong nhanh nhẹn, ân cần đi một vòng bắt tay, trò chuyện, thăm hỏi từng cụ già, em nhỏ. Tổng Bí thư ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của bà con”, ông tâm sự. 8 năm đã trôi qua nhưng nhân dân xóm Lũy Ải vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm.
Thẫn thờ ngồi bên cửa voóng nhà sàn, ông Đinh Công Lon nâng niu trên tay bức ảnh Tổng Bí thư về thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình. Nhiều cụ trong làng hôm nay cũng đến nhà ông Lon cùng ôn lại kỉ niệm về chuyến thăm của Tổng Bí thư và theo dõi lễ quốc tang qua màn hình ti vi.
Đội tiêu binh thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện nghi lễ thượng cờ rủ Quốc tang.
Đội tiêu binh tiến ra kỳ đài tại Quảng trường Ba Đình.
Đội tiêu binh đứng nghiêm trang dưới kỳ đài.
Đội tiêu binh tiến hành nghi thức.
Buộc dải băng đen vào Quốc kỳ. Cờ rủ được treo có dải băng tang có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ.
Ba chiến sĩ thực hiện nghi lễ treo cờ rủ.
Cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) được kéo lên cũng là thời điểm cả nước bắt đầu 2 ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng nay, bên ngoài nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, người dân quét mã QR Code để đăng ký viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Huy - cán bộ Cục quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội - cho phóng viên VTC News biết: "Chúng tôi có mặt tại các điểm ở nhà tang lễ lúc 3h sáng để lắp đặt thiết bị".
"Người dân sẽ vào viếng lúc 5h sáng. Chúng tôi sử dụng thiết bị chuyên dụng quét CCCD gắn chíp hoặc quét mã QR Code qua VNEid cấp độ 2. Chúng tôi bố trí khoảng 8 chốt quanh các lối vào nhà tang lễ, mỗi chốt khoảng 20 người chưa kể tình nguyện viên".
Máy quét QR Code CCCD gắn chip cho người dân
Trước điểm quét QR Code CCCD tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Trước giờ viếng 2 tiếng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã có mặt ở gần nhà tang lễ để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Được tin bác Trọng mất tôi rất buồn, tôi rất thương quý bác, một người lãnh đạo vì nước, vì dân, làm việc cho tới giấy phút cuối đời, cống hiến cho dân tộc cả cuộc đời. Chiều hôm qua, tôi đã sắp xếp hết công việc để tới đây dâng nén nhang tưởng nhớ bác”, bà Trần Thị Huyền (ở huyện Sơn Động, Bắc Giang) chia sẻ.
Bà Trần Thị Huyền (quê Bắc Giang) xúc động trước giờ viếng Tổng Bí thư.
Ông Hoàng Phúc Vạn từ Quỳnh Lưu, Nghệ An bắt xe ra Hà Nội từ 8h tối qua để được dâng nén nhang tưởng nhớ vị lãnh đạo kiên trung của dân tộc.
Gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị vào viếng. (Ảnh: VOV)
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt, kiểm tra tại Nhà tang lễ trước Lễ viếng. (Ảnh: VOV)
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác chuẩn bị tại Nhà tang lễ. (Ảnh: VOV)
Hàng trăm người dân làng Lại Đà trong trang phục quần đen áo đen xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư.
Trên đường làng Lại Đà, dòng người bắt đầu di chuyển vào điểm viếng Tổng Bí thư.
6h sáng, tại quê nhà, người thân và dân làng bắt đầu dâng vòng hoa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Công Hiếu)
Không khí trang nghiêm, xúc động. (Ảnh: Công Hiếu)
Nhiều người bật khóc thương nhớ Tổng Bí thư. (Ảnh: Công Hiếu)
Nội tộc dâng vòng hoa thắp hương tại quê nhà Tổng Bí thư.
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, công tác chuẩn bị cho lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang trong giai đoạn hoàn tất. Lễ viếng bắt đầu từ 7h sáng.
Chuẩn bị Lễ thượng cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) diễn ra nghi thức thượng cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Rất đông người dân có mặt từ sớm để được dự nghi lễ thượng cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Minh Đức)
Ngay từ 5h, rất đông người dân đã có mặt tại quảng trường để được tham dự nghi thức trang nghiêm, xúc động này, bày tỏ sự tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không khí trang nghiêm, xúc động trên Quảng trường Ba Đình. (Ảnh: Minh Đức)
Các nghi thức đã chuẩn bị sẵn sàng, không khí trên quảng trường vô cùng trang nghiêm.
Các công việc chuẩn bị đã sẵn sàng cho Lễ thượng cờ rủ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Minh Đức)
Theo thông báo của Ban Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong 2 ngày quốc tang (ngày 25/7 và 26/7), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Các lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng. (Ảnh: Minh Đức)
Trước ngày diễn ra Quốc tang, nhiều cơ quan, đơn vị, trụ sở doanh nghiệp...trên cả nước đã treo cờ rủ để bày tỏ lòng kính trọng, thương tiếc, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Khu vực ban thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt tại vị trí trang trọng trong hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người đến các điểm viếng cần mặc trang phục tối màu, mang theo căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại đã cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR. Các đoàn nên đi xe chung đến khu vực tổ chức lễ tang.
Ban Tổ chức đã chuẩn bị vòng hoa luân chuyển phục vụ các đoàn viếng. Gia đình Tổng Bí thư có nguyện vọng được miễn tiền, hoa quả, lễ phúng viếng, chấp điếu của các tổ chức, cá nhân khi đến viếng.
Tại Đông Anh, cảnh sát khuyên người đến viếng nên đi xe chung để giảm áp lực giao thông. Phương tiện được gửi miễn phí ở khu vực bãi ven đường Trường Sa, phía trước Khu chung cư Eurowindow. Cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn người dân đi bộ vào khu tổ chức lễ viếng.
Ban Tổ chức ở Đông Anh cung cấp xe điện miễn phí phục vụ người già, người tàn tật, người có sức khỏe yếu. Tại điểm viếng nhà văn hóa thôn Lại Đà, vòng hoa đã được chuẩn bị để các đoàn gắn băng đen.
Tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM), người dân đến viếng cần phân công trưởng đoàn và mặc trang phục trang trọng, sậm màu, nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang. Học sinh, sinh viên, công nhân viên chức mặc đồng phục của đơn vị.
Ban Tổ chức lưu ý đoàn đến viếng không mang theo vòng hoa, trái cây, nhang đèn, túi xách. Các đoàn có nhu cầu thì mang dải băng viếng tang có dòng chữ ghi tên đơn vị gắn vào vòng hoa luân chuyển đã được chuẩn bị sẵn.
Ngoài khung giờ dành cho các đoàn cơ quan Trung ương, địa phương, ngoại giao đã đăng ký trước, người dân sẽ viếng Tổng Bí thư từ 17h30 đến 22h ngày 25/7 và 7h đến 12h30 ngày 26/7.
Sáng 24/7, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández đã đến Hà Nội, thay mặt Đảng Cộng sản Cuba, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Cuba dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hỗ Ninh cũng thông báo tới Việt Nam dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, các quốc gia láng giềng và bạn bè của Việt Nam cũng thông báo cử người đại diện dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
- Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo
- Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith
- Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng Kishida Fumio.
- Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell
Trước đó, nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã quyết định thời gian để tang chính thức từ 6h sáng 20/7 đến 12h đêm 21/7 và Quốc tang từ 6h sáng đến 12h đêm 22/7.
Trong thư gửi Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 19/7, Đại tướng Raúl Castro Ruz và Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz Canel-Bermúdez khẳng định "sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một mất mát không thể bù đắp đối với Cuba".
"Cuba sẽ luôn tưởng nhớ tới đồng chí Nguyễn Phú Trọng như một người anh em vĩ đại, một người thúc đẩy không biết mệt mỏi mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Quốc hội, hai Chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta.
Người bạn thân yêu Nguyễn Phú Trọng sẽ được các thế hệ người dân Cuba nhớ tới như một trụ cột trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài giữa hai nước chúng ta và như một người anh em vĩ đại, luôn sẵn sàng dang cánh tay đoàn kết với Cuba trong những hoàn cảnh thách thức phức tạp nhất", thư nêu.
Tại Lào, trong cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng Lào ngày 22/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Lào Bouakhong Nammavong thông báo Đảng và chính phủ Lào nhất trí để tang cấp quốc gia, bao gồm cả đại sứ quán Lào và các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, trong ngày 25-26/7, treo cờ rủ và dừng các hoạt động vui chơi ở mọi hình thức.
Các lãnh đạo Lào ngày 19/7 đã gửi điện chia buồn, bày tỏ "lòng tiếc thương vô hạn" khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Trong bức điện, lãnh đạo Lào ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến hết tâm sức và trí tuệ cho các công tác quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam không ngừng phát triển, vị thế được nâng cao rõ rệt trên trường quốc tế và khu vực.
"Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào mất đi người đồng chí vô cùng gần gũi, thân thiết. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cách mạng trong thời đại mới, là người kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần to lớn, quý báu và quan trọng trong việc tăng cường, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào trong suốt thời gian qua", bức điện có đoạn.
Trước đó, dù chưa đến ngày Quốc tang chính thức nhưng Quốc tang trong lòng dân đã bắt đầu ngay từ thời khắc mọi người nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Tối 19/7, cư dân mạng ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp đồng loạt thay ảnh đại diện và đăng những dòng từ gan ruột, bàng hoàng, thương tiếc trước sự ra đi của vị lãnh đạo mà họ gửi gắm không chỉ niềm tin, kỳ vọng, lòng biết ơn mà còn có rất nhiều yêu thương.
Ngay sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được phát đi, nhiều nơi đã treo cờ rủ, phát phim tư liệu tưởng nhớ ông.
"Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".
Lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021 được người dùng mạng nhắc đến nhiều nhất trong các status, story trên Facebook, Zalo, TikTok…
Những lá cờ rủ, cờ gắn dải băng đen được người dân treo trước tư gia, cơ sở làm việc, kinh doanh… tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác từ cuối tuần qua.
Dù không ai yêu cầu, sau khi tin Tổng Bí thư từ trần được phát đi, nhiều bữa tiệc, buổi liên hoan của gia đình, nhóm bạn được báo hoãn. Nhiều Youtuber, TikToker vẫn luôn khuấy động mạng xã hội bằng những clip hài hước thông báo tạm ngừng đăng tải nội dung thường ngày. Đó không chỉ là hành động thể hiện lòng thành kính, mà còn là sự tôn trọng cảm xúc của cộng đồng và của chính họ - cảm xúc đau buồn, mất mát trước sự ra đi của Tổng Bí thư.
Trong lòng họ, nhân vật vừa từ biệt cõi trần ấy là hình mẫu cao quý của người cộng sản chân chính, người trọn đời sống thanh bạch, tận hiến đến phút cuối cùng để góp phần đem lại một đất nước thay da đổi thịt, đạt tới vị thế cho phép mỗi công dân có thể kiêu hãnh ngẩng cao đầu khi bước ra thế giới…
Video: Nghe người trẻ tỏ lòng kính trọng, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những ngày này, tại nhiều chùa, cơ sở, tự viện Phật giáo trên khắp cả nước, nghi thức cầu siêu, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức thành kính, trang nghiêm.
Tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, di ảnh cùng hương án của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trang trọng đặt ngay Chánh điện. Rất đông bà con, phật tử cùng các chư tăng thực hành nghi lễ cầu siêu, tưởng niệm nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực, giản dị được đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài hết lòng kính trọng, tin yêu.
Tại TP.HCM, khi được biết chùa Vĩnh Nghiêm đặt bàn thờ, di ảnh và tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm Tổng Bí thư, đông đảo người dân đã tới đây cầu nguyện.
Những nén tâm nhang, những lời kinh cầu nguyện như thương tiếc, tri ân những đóng góp to lớn, công lao của Tổng Bí thư trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.