Theo SCMP, tàu ngầm Type 094 của quân đội Trung Quốc được nhìn thấy di chuyển qua eo biển Đài Loan vào tháng 6 và trước đó. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy công nghệ tàu ngầm hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc đã hoàn thiện.
Một bài phân tích trên tạp chí Công nghệ Khoa học Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc ước tính lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) của Trung Quốc có ít nhất hai tàu với bốn đội tàu tác chiến, sẵn sàng đóng vai trò răn đe hạt nhân và có khả năng thực hiện cuộc phản công bất cứ lúc nào và trong bất kỳ điều kiện nào.
“Điều này có nghĩa là công nghệ tích hợp SSBN và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Trung Quốc đã hoàn thiện”, bài phân tích nhận định.
Đánh giá này dựa trên việc liên tục phát hiện các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094 có khả năng hạt nhân của hải quân Trung Quốc di chuyển qua các vùng nước nhạy cảm giữa vùng lãnh thổ Đài Loan và đại lục.
"Tàu ngầm và các đội tàu, cũng như chuỗi chỉ huy và hậu cần cho hoạt động đều trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Năng lực này trước đây chỉ có Mỹ và Nga có thể làm chủ", bài phân tích cho biết thêm.
Tháng 11/2021, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được chụp bởi các vệ tinh thương mại khi đang di chuyển trên mặt nước trong eo biển và được hộ tống bởi một tàu chiến mặt nước. Tàu ngầm khi đó đi về phía bắc từ căn cứ hải quân ở Du Lâm, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, và có khả năng hướng đến xưởng đóng tàu Bột Hải ở Liêu Ninh, phía đông bắc nước này.
Tháng 6 năm nay, một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, với hình dáng lưng gù đặc biệt cho thấy đó là Type 094, cùng một tàu khác theo sát bên cạnh, đã được các ngư dân Đài Loan nhìn thấy ở phía tây của đường trung tuyến chia cắt đảo và đại lục - một ranh giới không chính thức mà Bắc Kinh tuyên bố không tồn tại.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc tàu ngầm tên lửa đạn đạo - vốn được thiết kế để tàng hình nhất có thể khi làm nhiệm vụ và có khả năng hoạt động dưới nước trong nhiều tháng - nổi lên là điều bất thường.
Tàu ngầm được phát hiện ở vị trí mực nước chỉ sâu 45 m, rất nguy hiểm đối với tàu ngầm có trọng tải lớn như Type 094 khi lặn xuống.
Eo biển Đài Loan có độ sâu trung bình là 60 m và có địa hình dưới nước phức tạp cùng các núi lửa đang hoạt động khiến nơi đây không phù hợp cho hoạt động của tàu ngầm vì nguy cơ mắc cạn hoặc va chạm, cũng như là nơi có lực lượng chống tàu ngầm mạnh.
"Thay vì mạo hiểm di chuyển dưới nước, tốt hơn là nổi lên mặt nước một cách công khai và di chuyển bình thường dưới sự bảo vệ của các tàu hộ tống", bài phân tích cho hay.
Bài viết lưu ý, việc lặp lại các hoạt động táo bạo này loại trừ khả năng tàu ngầm buộc phải nổi lên do sự cố. Đồng thời, việc đi qua eo biển Đài Loan thay vì kênh Bashi hay eo biển Miyako ở phía đông đảo Đài Loan sẽ là con đường ngắn hơn từ Biển Đông đến xưởng đóng tàu ở phía bắc để bảo dưỡng định kỳ.
Phô trương sức mạnh
Thời điểm tàu Type 094 xuất hiện ngay sau cuộc tập trận “Joint Sword-2024” của quân đội Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan, cho thấy đây có thể là màn phô trương sức mạnh đối với chính quyền mới của hòn đảo này và Mỹ.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094 mang tên mã của NATO là lớp Jin, được Bộ Quốc phòng Mỹ coi là "lực lượng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên" của Trung Quốc khi con tàu đi vào hoạt động năm 2007.
Hiện tại, Type 094 là một phần cốt lõi trong năng lực hạt nhân của Trung Quốc.
Theo Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2023 của Lầu Năm Góc, hải quân Trung Quốc đã vận hành ít nhất sáu tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân dài 137 m và có lượng giãn nước 9.000 tấn.
12 tên lửa đạn đạo JL-2 của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn khoảng 7.000 km, đồng nghĩa những tàu ngầm có thể tấn công vùng đông bắc Mỹ từ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Phiên bản mới nhất Type 094A - đã hoạt động từ năm 2020 - được cho là ít gây ồn hơn và mang theo tên lửa đạn đạo JL-3 mạnh hơn với tầm bắn hơn 10.000 km có thể bao phủ gần như toàn bộ lục địa Mỹ từ Biển Đông.